Hiện nay ở Việt Nam Khoảng 70% người mất răng sử dụng hàm giả và ước tính khoảng 10% dân số mất răng có hàm giả mới mỗi năm. Răng giả được phân chia làm nhiều loại: Cố định (mão/cầu răng) hoặc tháo lắp (toàn hàm/bán hàm); răng sứ hoặc răng nhựa; hàm tháo lắp: nền nhựa hoặc kim loại; răng giả trên implant.
Tùy thuộc vào các yếu tố: mức độ mất xương, số lượng răng mất, kinh tế và yêu cầu của bệnh nhân, nha sĩ sẽ lựa chọn loại phục hình cho phù hợp. Tuổi thọ của răng giả phụ thuộc vào vật liệu, cách sử dụng và chăm sóc của bệnh nhân. Bài viết sau đây sẽ hướng dẫn bạn một số cách sử dụng và chăm sóc răng giả thích hợp với từng loại.
1. Cách sử dụng và chăm sóc phục hình cố định (mão răng, cầu răng)
Việc chăm sóc mão và cầu cũng tương tự như răng thật. Tuy nhiên, răng giả cố định về mặt tính chất và hình thể sẽ có những sai lệch. Do đó, nó không đạt được hiệu quả cao về chức năng và vệ sinh được bằng răng thật. Vì vậy, khi sử dụng và chăm sóc. bạn cần lưu ý một số điểm sau.
Tăng cường việc chăm sóc răng miệng
Chải răng 2 lần/ngày với kem đánh răng, sử dụng kết hợp các phương pháp vệ sinh khác: bàn chải kẽ, chỉ nha khoa, nước xúc miệng … Khi sử dụng cầu răng, bạn cần lưu ý làm sạch vùng dưới nhịp cầu. Đây là vùng dễ lưu giữ thức ăn. Nếu không làm sạch, bạn có nguy cơ sâu răng trụ, viêm mô mềm dưới nhịp cầu, gây hôi miệng.
Nếu mão cầu làm bằng nhựa, bạn cần tránh dùng kem đánh răng có tính mài mòn cao vì sẽ tạo các vi lỗ rỗ trên bề mặt răng giả. Thức ăn và các chất tạo màu có thể đọng lại ở vi kẽ gây tạo mùi và làm răng giả đổi màu.
Tránh ăn các thức ăn cứng, dai, dính
Khả năng chịu lực của răng giả không đạt được như răng thật. Đồng thời, sự kết dính của răng là nhờ các vật liệu gắn. Do đó,việc sử dụng thức ăn thô cứng có thể làm mẻ, gãy, nứt vỡ răng giả. Các thức ăn dai dính có nguy cơ làm răng giả dễ bị sút ra, đồng thời tạo nên lực tác động không tốt lên cầu răng.
Thường xuyên thăm khám nha sĩ 6 tháng/lần để kiểm tra phục hình
Trong quá trình sử dụng sẽ xuất hiện nhiều biến chứng có thể gây nguy hại cho cả răng giả và răng thật. Việc thăm khám thường xuyên giúp phát hiện và giải quyết sớm các vấn đề như: sâu, lung lay răng trụ; nứt vỡ phục hình… Từ đó, bạn tránh được các hậu quả trầm trọng có thể làm tổn hại đến cả bộ răng.
2. Cách sử dụng và chăm sóc răng giả tháo lắp (hàm giả toàn hàm, hàm giả bán hàm)
Những khó khăn khi mới mang hàm giả
Khi mới mang hàm, bạn có thể gặp những khó khăn như sau:
- Khó chịu vì hàm giả như một vật lạ nằm trong miệng, kích thích lưỡi khi tiếp xúc. Bạn phải tập làm quen với hàm giả bằng cách mang thường xuyên những ngày đầu.
- Cảm giác khó phát âm, nói ngọng. Điều này sẽ mất dần khi bạn đã quen với hàm giả.
- Cảm giác buồn nôn nếu hàm trên dài ở vùng khẩu cáo, nền hàm dưới dài vùng phía lưỡi của gối hậu nha. Bạn sẽ hết cảm giác này khi được nha sĩ điều chỉnh mài hết phần dư.
- Nước bọt tiết nhiều. Bạn nên nuốt nước bọt, khoảng 1 – 2 giờ sau sẽ hết.
- Hàm giả có thể không vững, ít lưu giữ do bờ hàm dư, khớp cắn chưa tốt. Bạn phải quay lại tái khám để được điều chỉnh ngay
- Hàm giả có thể gây đau trong những ngày đầu. Do đó, bạn phải đến nha sĩ để chữa đau ngay.
Ngâm răng giản trong nước sạch
Cách sử dụng và bảo quản hàm giả tháo lắp
Khi giao hàm cho bạn, nha sĩ sẽ hướng dẫn: cách tháo và lắp hàm giả; cách sử dụng, giữ gìn và vệ sinh hàm giả; cách vệ sinh răng miệng.
- Tháo lắp đúng theo hướng dẫn của nha sĩ
Sau khi hàm giả lắp vào đúng vị trí mới sử dụng để tránh làm lệch móc, vênh hoặc gãy hàm giả và gây đau. Phải đảm bảo bạn có thể tháo lắp hàm dễ dàng, không dùng lực mạnh.
Cẩn thận khi tháo lắp hoặc di chuyển hàm giả
Tốt nhất bạn nên tháo khi hứng dưới chậu nước hoặc bồn nước để tránh rơi vỡ
- Không nên tháo hàm giả ra khỏi miệng quá lâu
Răng còn lại có thể di chuyển làm cho hàm không lắp lại được. Đối với toàn hàm, không mang hàm giả lâu có thể tăng tiêu xương làm lỏng hàm. Thời gian đầu, bạn nên mang thường xuyên để tập quen với hàm giả.
Thực hiện chức năng từ dễ tới khó như thức ăn mềm, cắt thức ăn thành những miếng nhỏ, nhai chậm. Tránh những thức ăn dẻo, đặc, cứng trong thời gian đầu.
- Không nên ăn thức ăn quá thô, cứng như khi chưa mất răng. Nếu chưa quen với hàm giả có thể nhai bên răng thật nhiều hơn. Tuy nhiên, bạn nên cố gắng nhai đều cả hai bên sau này.
Vệ sinh, chải rửa hàm giả hằng ngày như vệ sinh răng miệng với bàn chải nhưng không sử dụng kem đánh răng
Kem đánh răng có chứa chất mài mòn, tạo nên các vi lỗ rỗ. Vi khuẩn và mảng bám có thể phát triển ở những lỗ trên bề mặt hàm. Hàm giả cũng như răng tự nhiên, cần được chải hằng ngày để loại bỏ thức ăn và mảng bám. Chải rửa cũng giúp ngăn ngừa sự bám dính của các vết ố trên nền hàm.
Sử dụng một bàn chải mềm, nếu có thể nên sử dụng loại bàn chải được thiết kế đặc biệt riêng cho chải hàm. Tránh dùng bàn chải cứng vì có thể gây phá hủy hoặc mòn hàm giả. Chải nhẹ nhàng tất cả các răng giả và bề mặt nền hàm. Nếu phát hiện hàm giả có vôi, vết dính không thể chải sạch nên đem đến nha sĩ để được đánh bóng lại.
Dùng bàn trải dành riêng cho răng giả
- Sau mỗi bữa ăn nên tháo hàm giả ra, rửa sạch các thức ăn bám dính
Nếu có thể, bạn nên chải sạch cả mặt ngoài và trong bằng bàn chải mềm và chất làm sạch. Cẩn thận tránh làm uốn cong hoặc vênh hàm. Khi chải rửa, bạn nên đặt trong một chậu nước hoặc bồn có xả nước. Tránh làm rớt hàm giả vì có thể gãy móc, vỡ nhựa.
- Nên vệ sinh hàm giả với chất làm sạch hàm
Có thể sử dụng xà phòng hoặc dung dịch rửa tay để làm sạch hàm. Các chất tẩy rửa khác hoặc kem đánh răng sẽ làm hàm mòn, vì thế không nên sử dụng. Bạn cũng nên tránh sử dụng các chất tẩy trắng vì có thể làm trắng phần nền hồng giả nướu của hàm.
Chải rửa siêu âm cũng được sử dụng cho vệ sinh hàm giả. Hàm sẽ được đặt trong bồn với nhiều tia vòi nước kết hợp sóng siêu âm, làm rơi các mảng bám, thức ăn. Tuy nhiên,điều này không thể thay thế hoàn toàn việc chải rửa hàm hằng ngày.
- Chú ý phải vệ sinh miệng và các răng thật còn lại, đặc biệt là các răng trụ
Điều trị kịp thời khi có sâu răng hay các bệnh về nướu. Lưu ý phải làm sạch răng nướu và miệng trước khi lắp lại hàm giả.
Khi đã quen với hàm giả, nên tháo hàm ra khi ngủ vào ban đêm để tránh gây tiêu xương vùng nền tựa.
Hàm giả khi tháo ra nên được chải rửa và ngâm vào ly nước sạch hoặc đựng trong hộp kín có chứa nước. Không để hàm giả khô bên ngoài.
Thỉnh thoảng, bạn có thể dùng viên thuốc ngâm hàm giả để ngâm. Tránh để hàm giả bị khô vì sẽ làm biến dạng nền hàm. Tuy nhiên, nếu hàm giả có khung và móc kim loại thì những phần này có thể bị xỉn màu nếu hàm được ngâm trong dung dịch. Không được ngâm hàm trong nước nóng vì có thể khiến hàm giả cong, vênh.
- Cần chăm sóc răng giả đúng cách
Khi hàm bị gãy, mất thêm răng thật hoặc cong vênh, nên đem đến bác sĩ ngay. Không được tự sửa chữa hoặc tiếp tục sử dụng.
Việc tự ý sửa chữa có thể làm gãy móc, khung hoặc nền hàm, không thể phục hồi được. Sử dụng tự ý các chất gắn hàm cũng làm thay đổi bản chất hóa học khiến hàm không còn thích hợp để sử dụng.
Hàm giả không dính hoặc khít sát có thể gây kích thích và tạo vết loét đau bên dưới nền hàm và nướu. Bạn nên liên hệ nha sĩ để được điều trị và điều chỉnh hàm giả ngay.
Thông thường, sau khi giao hàm, nha sĩ sẽ hẹn bạn tái khám vài lần để chữa các vị trí đau và lỏng hàm nếu có. Nếu đau, bạn có thể tháo vài lần trong ngày. Nếu đau nhiều, bạn nên ngừng mang hàm trong vài ngày. Tuy nhiên, trước khi đến khám, bạn nên mang trước vài giờ để nha sĩ có thể xác định được vị trí đau.
- Tái khám nha sĩ thường xuyên mỗi 6 tháng một lần để kiểm tra hàm giả
Việc tái khám giúp nha sĩ phát hiện và đưa ra lời khuyên về việc sử dụng hàm giả. Với sự chăm sóc tốt nhất, sau một thời gian từ 5 đến 10 năm, bạn cũng cần phải thay hàm giả mới. Khi thấy có bất kỳ thay đổi nào của hàm giả hay thay đổi cảm giác khi mang hàm, bạn nên báo ngay cho nha sĩ. Sau một thời gian mang hàm, sự tiêu xương sẽ làm hàm lỏng. Khi hàm không còn dính, bạn bắt buộc phải thay hàm khác.
Một số dấu hiệu giúp nha sĩ đánh giá bạn cần thay mới hàm gồm:
- Khi có viêm mãn tính dưới nền hàm hoặc hàm phải dùng chất gắn dính để lưu giữ, ăn uống. Hoặc khi bạn phải sử dụng chất gắn hàm nhiều hơn 1 lần mỗi ngày.
- Bệnh nhân hiện không thể mang hàm giả hoặc trong thời gian ngắn không sử dụng được nữa.
- Khi hàm giả không còn vững trong miệng, không còn vừa với các răng còn lại hoặc hàm giả đổi màu, gãy vỡ, mất.
- Răng của hàm giả bị mòn, gãy, không đủ nâng đỡ một phần hoặc toàn hàm.
- Hàm giả đã sử dụng trên 5 năm, bị sai lệch nhiều.
Răng giả phục hồi lại những khiếm khuyết do mất răng, giúp việc thực hiện chức năng và thẩm mỹ đạt hiệu quả hơn. Việc sử dụng hàm giả hằng ngày phải dễ dàng, thuận lợi cho ăn nhai, nói chuyện. Nếu có khó khăn hoặc thắc mắc về cách sử dụng và chăm sóc răng giả, hãy liên hệ nha sĩ ngay. Tuổi thọ của răng giả phụ thuộc vào cách chăm sóc và sử dụng của chính người dùng. Vì vậy, bạn hãy tìm hiểu thật kỹ để có thể bảo quản răng giả được tốt nhất.