CÁCH CHĂM SÓC SAU NHỔ RĂNG
Nhổ răng là điều trị xâm lấn trong nha khoa, do đó sẽ có nhiều nguy cơ có thể xảy ra. Chăm sóc răng sau nhổ đúng cách giúp quá trình lành vết thương tốt và giúp hạn chế xuất hiện các biến chứng nghiêm trọng. Bài viết này cung cấp một số thông tin về quá trình lành vết thương và hướng dẫn chăm sóc răng sau khi nhổ giúp hạn chế các biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng của bạn.
Một trong những điều quan trọng nhất trong chăm sóc răng sau khi nhổ là duy trì cục máu đông hình thành tại vị trí nhổ răng. Cục máu đông này có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình lành vết thương, có thể giúp ngăn ngừa một số biến chứng nghiêm trọng hơn.
1. Chăm sóc răng sau nhổ ở ngày thứ 1 - 2
Điều quan trọng trong chăm sóc sau vài ngày đầu tiên sau khi nhổ răng là hình thành cục máu đông và chăm sóc răng miệng nói chung. Chảy máu rỉ lượng ít trong tối đa 24 giờ sau khi nhổ răng là điều hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, chảy máu với lượng nhiều sau thời điểm này cần điều trị. Dưới đây là một số lời khuyên cho 2 ngày đầu chăm sóc sau khi nhổ răng:
- Nghỉ ngơi: bạn nên nghỉ ngơi ít nhất trong 24 giờ đầu tiên sau khi nhổ răng.
- Thay gạc khi cần thiết: đặt miếng gạc đầu tiên trong miệng chỗ vết nhổ răng trong khoảng 30 phút đến vài giờ để cục máu đông hình thành rồi lấy ra. Sau đó, bạn có thể thay gạc thường xuyên nếu cần.
- Tránh súc miệng: hành động này có thể tổn thương đến bất kỳ cục máu đông nào đang hình thành và ảnh hưởng đến thời gian lành vết thương.
- Uống thuốc giảm đau:thuốc giảm đau không kê đơn có thể giúp giảm đau, sưng và viêm. Trong thời gian này bạn nên uống thuốc theo đơn của nha sĩ.
- Chườm lạnh: đặt một túi nước đá hoặc một túi đá được bọc trong khăn lên vùng đó trong 10 - 20 phút mỗi lần có thể giúp giảm đau.
- Không sử dụng ống hút: sử dụng ống hút sẽ tạo nhiều áp lực lên vết thương đang lành, có thể dễ dàng đánh bật cục máu đông.
- Không khạc nhổ: khạc nhổ cũng tạo ra áp lực trong miệng, có thể đẩy cục máu đông ra ngoài.
- Tránh xì mũi hoặc hắt hơi: trường hợp nếu bạn nhổ răng ở hàm trên, việc xì mũi hoặc hắt hơi có thể tạo áp lực lên đầu khiến cục máu đông đang hình thành bị đẩy ra ngoài. Tránh xì mũi và hắt hơi nếu có thể.
- Không hút thuốc: Hút thuốc tạo ra áp lực trong miệng giống như sử dụng ống hút. Mặc dù tốt nhất là tránh hút thuốc trong toàn bộ quá trình lành vết thương, nhưng quan trọng là không hút thuốc trong vài ngày đầu khi cục máu đông hình thành.
- Ăn ở phía bên kia miệng không nhổ răng, không nên dùng đồ ăn hay uống quá nóng hay quá lạnh.
2. Chăm sóc răng sau khi nhổ vào ngày thứ 3 - 10
Sau khi cục máu đông hình thành, điều quan trọng là phải giữ chặt cục máu đông và vệ sinh răng miệng để giúp ngăn ngừa các vấn đề khác.
- Súc miệng bằng nước muối: Khi cục máu đông đã ổn định, hãy nhẹ nhàng súc miệng bằng dung dịch nước muối ấm giúp tiêu diệt vi khuẩn trong miệng, có thể ngăn ngừa nhiễm trùng.
- Đánh răng và dùng chỉ nha khoa như bình thường: tuy nhiên, bạn cần cẩn thận để tránh vùng răng đã nhổ. Dung dịch nước muối và bất kỳ loại nước súc miệng có thuốc nào mà nha sĩ khuyên dùng là đủ để làm sạch khu vực này.
- Ăn thức ăn mềm: trong thời gian chăm sóc sau khi nhổ răng, mọi người nên ăn thức ăn mềm, không cần nhai nhiều và không có khả năng bị mắc kẹt trong ổ răng rỗng. Cân nhắc ăn súp, sữa chua và các loại thực phẩm tương tự. Tránh bánh mì cứng, khoai tây chiên hoặc thực phẩm có chứa hạt.
Chăm sóc sau khi nhổ răng phụ thuộc vào một số yếu tố, chẳng hạn như vị trí chiếc răng mà bạn đã nhổ, do một số răng có chân răng sâu hơn nên cần thời gian lâu hơn để chữa lành. Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều cảm thấy cơn đau có thể giảm sau khoảng 3 ngày.
3. Chăm sóc răng sau khi nhổ răng khôn
Răng khôn được xem là chiếc răng phức tạp nhất do răng khôn thường mọc lệch hoặc mọc ngầm, điều này gây đau và khó khăn trong việc phẫu thuật.
Nói chung, các nha sĩ thường sẽ chỉ định nhổ răng khôn cho bệnh nhân trẻ tuổi và có khả năng hồi phục nhanh chóng sau ca phẫu thuật. Tuy nhiên, thời gian lành vết thương sau khi nhổ răng khôn có thể lâu hơn nhiều so với chiếc răng ở vị trí khác và bệnh nhân cần có thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn.
Trong nhiều trường hợp, nha sĩ có thể sử dụng các kỹ thuật khác để thúc đẩy quá trình lành vết thương sau các ca phẫu thuật này, chẳng hạn như sử dụng chỉ khâu tự tiêu. Chăm sóc sau khi nhổ răng khôn tương tự như chăm sóc cho các loại răng khác.
4. Các biện pháp khắc phục tại nhà cho cơn đau
Cảm giác đau nhức, sưng tấy sau khi nhổ răng là điều bình thường. Một số biện pháp khắc phục tại nhà có thể làm dịu cơn đau ở từng giai đoạn. Các biện pháp khắc phục tại nhà cho đau răng bao gồm:
- Thuốc chống viêm không steroid có thể giúp giảm sưng và đau.
- Chườm đá: chườm túi nước đá đã bọc khăn vào bên bị đau trong 20 phút mỗi lần có thể giúp giảm đau và sưng.
- Súc miệng bằng nước muối: súc miệng bằng nước muối có thể giúp tiêu diệt vi khuẩn trong miệng và giảm sưng và đau.
5. Khi nào cần đến gặp nha sĩ?
Quá trình lành vết thương sau nhổ răng thông thường có thể mất tới 10 ngày, tùy thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như tuổi hoặc thể trạng của họ. Các dấu hiệu cho thấy bạn nên đi khám nha sĩ bao gồm:
- Đau và sưng trở nên trầm trọng hơn theo thời gian.
- Chảy máu không cải thiện, kéo dài với lượng nhiều.
- Sốt cao.
- Buồn nôn hoặc nôn mửa.
- Cơn đau dữ dội, có thể lan đến tai.
- Chảy ra từ vết thương có vị khó chịu hoặc mùi hôi.
Sau khi nhổ răng, chăm sóc sau đúng cách là rất quan trọng, vì nó giúp thúc đẩy quá trình đông máu và hạn chế các biến chứng. Hầu hết, vị trí nhổ răng đơn giản sẽ lành trong vòng 7 đến 10 ngày. Nếu xuất hiện bất kỳ triệu chứng xấu đi sau khi nhổ răng bạn nên đến gặp nha sĩ để được xử trí phù hợp.